Thông điệp Ban Lãnh Đạo Tháng 8/2020

341
Công ty TNHH Khang Minh
Công ty TNHH Khang Minh

Hiểu người và dùng người

Để hiểu thêm và hiểu nhau hơn giữa các thành viên BLĐ, CBCNV KMC , Tôi gửi tới toàn thể CBCNV công ty bài viết dưới đây:

Những chia sẻ của tôi trong bài viết này có thể xem là bài học thực tế giá trị về quan điểm “hiểu người mới dùng được người” trong quản trị mà người lãnh đạo doanh nghiệp có thể học hỏi: Chân thành cầu thị, tầm nhìn rõ ràng, chí công vô tư và tạo điều kiện tối đa cho việc phát huy sở trường của nhân tài và khai thác tài năng tiềm ẩn của họ.

Nhân tài giống như tảng băng trôi, 10% nổi còn 90% chìm. Nhân tài dễ bị chôn vùi do chịu sự hạn chế bởi những nhân tố như kinh nghiệm, thâm niên, tư cách và các vấn đề hiện thực khác. Lãnh đạo khi nhận biết người tài, nếu nhầm gian thần thành trung thần, nhầm ác thành thiện, nhầm ngu si thành thông thái, thì việc tất sẽ thất bại. Ngược lại thì kết quả cũng tương tự như vậy.

Tính cách của mỗi người mỗi khác là bởi họ chịu ảnh hưởng của môi trường sống, kinh nghiệm sống và thụ hưởng nền học vấn khác nhau. Cụ thể hơn, có rất nhiều nhân tố quyết định tính cách con người, bao gồm xuất thân, hoàn cảnh gia đình, thói quen, bạn bè, giai tầng xã hội, nghề nghiệp, tâm lý, động cơ, mong muốn… Vì thế, người làm lãnh đạo phải biết được tính cách của cấp dưới, phải khách quan tìm hiểu những đặc điểm tướng mạo, thân thể, đạo đức, tính cách, tu dưỡng, trình độ,… đồng thời phải đặt mình vào vị trí của cấp dưới để hiểu hơn về bản thân và hoàn cảnh của họ, từ đó có được những đánh giá hợp tình hợp lý, chứ không được dựa vào ấn tượng chủ quan ban đầu.

Muốn trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa thì phải hiểu được những tính cách và đặc trưng riêng của cấp dưới mới có thể quản lý tốt được. Người xưa đã nói rằng: “Dùng ngựa tốt bắt chuột không bằng dùng mèo; kẻ đói nhận được vàng bạc châu báu, không bằng có được một bát cháo”. Dùng vật, dùng người phải hợp lý, nếu không sẽ không những chôn vùi bảo vật, mai một nhân tài, mà còn không thu được kết quả gì.

Về phương diện này, có rất nhiều lời khuyên cũng như bài học, dưới đây là tám điều cơ bản cần chú ý được đúc rút trong cuốn sách Tứ thư lãnh đạo:

– Người có đức không quá coi trọng tiền bạc, không thể dùng lợi ích vật chất để mê hoặc họ, có thể để họ quản lý tài chính.

– Người dũng cảm không sợ khó khăn, gian khổ cũng không đánh gục được họ, có thể để họ giải quyết những công việc cấp bách.

– Người tài trí, nhìn xa trông rộng, lễ độ, hiểu lý lẽ, không thể giả vờ chân thành, tin tưởng mà lừa họ, có thể để họ phụ trách những công việc quan trọng.

– Người ngu ngốc, dễ bị lừa phỉnh, không thể làm công việc đàm phán hay nhận xét đánh giá.

– Người bất trung, dễ dao động, không nên để họ biết về cơ hội kinh doanh.

– Người ham muốn tiền tài, dễ bị dụ dỗ, mê hoặc, không nên để phụ trách quản lý tài chính.

– Người nặng về tình cảm, dễ thay đổi ý kiến, không nên để họ phụ trách công việc phải ra quyết sách.

– Người tùy tiện, dễ khiến sự việc rối loạn, không thể phụ trách công việc có tính lâu dài hoặc đòi hỏi trật tự, ngăn nắp.

Giao việc cho ai, ai nhận việc được giao luôn là bài toán đau đầu đối với bất cứ vị tổng chỉ huy Tập đoàn hay công ty nào!

Thay mặt BLĐ Công ty

                                                                                                                                                    Giám đốc
                                                                                                                                                      Nguyễn Minh Cường